22.11. Hồ sơ tài liệu
Tiêu chuẩn chất lượng (cho nguyên liệu ban đầu, bao bì đóng
gói sơ cấp, sản phẩm trung gian, bán thành phẩm và thành phẩm), công thức gốc,
các hướng dẫn chế biến và đóng gói có thể được thay đổi thường xuyên do có những
kinh nghiệm mới từ việc phát triển sản phẩm nghiên cứu. Mỗi một bản mới cần bao
gồm các dữ liệu mới nhất và có tham chiếu đến các bản trước đây, để đảm bảo việc
truy lại được. Tính hợp lý của các thay đổi phải được tuyên bố và ghi lại. Hồ
sơ chế biến và đóng gói lô phải được lưu trữ ít nhất là 2 năm sau khi kết thúc
hoặc ngưng thử lâm sàng, hoặc sau khi sản phẩm nghiên cứu được chấp nhận.
Đơn đặt hàng
Đơn đặt hàng có thể yêu cầu chế biến và/hoặc đóng gói và gởi
đi một số đơn vị sản phẩm nhất định. Đơn đặt hàng chỉ có thể do nhà tài trợ gởi
cho nhà sản xuất sản phẩm nghiên cứu. Đơn đặt hàng phải bằng văn bản (mặc dù có
thể được chuyển đi bằng phương tiện điện tử), đủ chính xác để tránh bất cứ sự
hiểu lầm nào, phải được duyệt chính thức, và đúng với hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng
sản phẩm đã được chấp nhận.
Hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm
Hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng phải có đủ các thông tin cần thiết
cho việc dự thảo các hướng dẫn chi tiết về chế biến, đóng gói , kiểm tra chất
lượng, cho phép xuất xưởng, điều kiện bảo quản và /hoặc gửi hàng. Hồ sơ cũng phải
chỉ ra người đã được chỉ định hoặc được đào tạo để chịu trách nhiệm cho xuất xưởng
lô sản phẩm. Hồ sơ phải được cập nhật liên tục nhưng vẫn phải đảm bảo việc truy
lại được các phiên bản trước đó.
Tiêu chuẩn chất lượng
Trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, cần đặc biệt
chú ý những đặc tính có thể ảnh hưởng tới hiệu quả, và độ an toàn của dược phẩm,
như:
- Tính chính xác của liều điều trị hoặc đơn vị liều đóng
gói: độ đồng nhất, độ đồng đều hàm lượng
- Sự phóng thích hoạt chất từ dạng bào chế: thời gian hoà
tan, v.v.
- Độ ổn định dự tính, nếu cần thiết, dưới các điều kiện lão
hoá cấp tốc, điều kiện bảo quản ban đầu, và hạn dùng của thuốc. Ngoài ra, quy
cách đóng gói cũng phải phù hợp với yêu cầu thử nghiệm.
Tiêu chuẩn chất lượng có thể thay đổi theo quá trình phát
triển sản phẩm. Tuy nhiên, những thay đổi phải được thực hiện theo một qui
trình bằng văn bản được người có trách nhiệm phê duyệt và được ghi lại rõ ràng.
Tiêu chuẩn chất lượng phải dựa trên các dữ liệu khoa học sẵn có, các kỹ thuật
hiện tại, các qui định pháp luật và yêu cầu của dược điển.
Công thức gốc và hướng dẫn chế biến gốc.
Công thức gốc và hướng dẫn chế biến có thể thay đổi theo
kinh nghiệm, nhưng phải cân nhắc các hậu quả có thể có đối với độ ổn định và
trên hết, đối với tính tương đương sinh học giữa các lô thuốc thành phẩm. Các
thay đổi phải được thực hiện theo một qui trình bằng văn bản, được người có thẩm
quyền phê duyệt và được ghi lại một cách rõ ràng.
Đôi khi, không cần thiết phải xây dựng công thức gốc và các
hướng dẫn chế biến, nhưng phải có các hướng dẫn và hồ sơ ghi chép bằng văn bản
đầy đủ và rõ ràng cho tất cả các hoạt động sản xuất hoặc cung cấp thuốc. Các hồ
sơ ghi chép là đặc biệt quan trọng đối với việc soạn thảo các bản cuối cùng của
các tài liêu sẽ được sử dụng trong sản xuất thường quy.
Hướng dẫn đóng gói:
Số lượng đơn vị sản phẩm cần được đóng gói phải được xác định
trước khi bắt đầu các thao tác đóng gói. Phải tính đến số lượng đơn vị sản phẩm
cần thiết để tiến hành kiểm tra chất lượng và số lượng mẫu từ mỗi lô sản phẩm
được sử dụng trong thử lâm sàng được lưu giữ làm mẫu đối chiếu cho các cuộc kiểm
tra lại và các kiểm soát tiếp theo. Phải tiến hành việc đối chiếu so sánh ở cuối
giai đoạn đóng gói và dán nhãn.
Hướng dẫn về dán nhãn.
Những thông tin cần thể hiện trên nhãn gồm có:
- Tên của người tài trợ
- Tuyên bố: “Chỉ sử dụng cho nghiên cứu lâm sàng”
- Số tham chiếu tới thử nghiệm
- Số lô sản phẩm
- Mã số nhận dạng bệnh nhân (Ghi chú: mã số nhận dạng bệnh
nhân không nhất thiết phải được ghi trên nhãn tại cơ sở sản xuất, nhưng có thể
ghi thêm vào ở giai đoạn sau).
- Điều kiện bảo quản
- Hạn sử dụng (tháng/năm) hoặc ngày kiểm nghiệm lại.
Những thông tin bổ sung phải được trình bày phù hợp với đơn
đặt hàng (ví dụ hướng dẫn về liều dùng, thời gian điều trị, các cảnh báo chuẩn)
. Khi cần thiết cho mục đích thử mù đôi, số lô có thể được cung cấp riêng. Phải
lưu giữ một copy của mỗi loại nhãn trong hồ sơ đóng gói lô.
Hồ sơ chế biến và đóng gói lô
Hồ sơ chế biến và đóng gói lô phải được lưu giữ với đầy đủ
chi tiết để thứ tự các hoạt động được truy tìm một cách chính xác. Hồ sơ phải
có các nhận xét liên quan, làm tăng những hiểu biết hiện có về sản phẩm, cho
phép cải tiến các hoạt động sản xuất, và đánh giá đúng về qui trình sử dụng.
Hệ thống đánh mã số (hoặc hệ thống ngẫu nhiên)
Phải xây dựng các qui trình cho việc đặt ra, phân phối, xử
lý và lưu giữ bất kỳ mã số ngẫu nhiên nào được sử dụng trong đóng gói sản phẩm
nghiên cứu. Phải sử dụng hệ thống mã số để nhận diện đúng sản phẩm “mù”. Mã số,
cùng với danh sách ngẫu nhiên, phải cho phép xác định đúng sản phẩm, kể cả bất
cứ sự truy tìm cần thiết nào đối với mã số và số lô sản phẩm, trước khi tiến
hành sản xuất sản phẩm mù. Hệ thống mã số, trong tình trạng khẩn cấp, phải cho
phép xác định một cách không chậm trễ đúng sản phẩm đang được mỗi đối tượng
tham gia nghiên cứu sử dụng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét