Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

GMP Chế phẩm sinh học.21.4.Nhà xưởng và thiết bị máy móc

21.4. Nhà xưởng và thiết bị máy móc
21.4.1 Nguyên tắc chung là nhà xưởng phải có vị trí thích hợp, được thiết kế, xây dựng, sửa đổi và bảo dưỡng phù hợp với các thao tác được tiến hành. Phòng thí nghiệm, phòng sản xuất, và tất cả các phòng và nhà xưởng khác (bao gồm các khu chăn nuôi súc vật) được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm sinh học phải được thiết kế, xây dựng bằng các vật liệu có tiêu chuẩn cao nhất, để đảm bảo duy trì độ sạch, đặc biệt là không có bụi, côn trùng, và có thể bảo dưỡng dễ dàng.
21.4.2 Bề mặt bên trong (tường, nền nhà và trần nhà) phải trơn, không có các khe hở, vết nứt. Bề mặt không được nhả ra tiểu phân và cho phép làm vệ sinh và tẩy trùng dễ dàng. Nếu có thể, phải tránh sử dụng cống thoát, ngoại trừ trường hợp đặc biệt cần thiết và không được có cống thoát trong khu vực chế biến vô trùng. Nếu được lắp đặt cống thoát, phải được gắn xi phông dễ làm vệ sinh, và có bộ phận ngăn trào ngược. Xi phông có thể được gắn thiết bị đốt nóng bằng điện hoặc các phương tiện khác để khử trùng. Bất cứ rãnh thoát nào trên nền đều phải hở, nông, dễ làm vệ sinh và được nối với cống thoát bên ngoài khu vực sao cho tránh được sự xâm nhập của vi sinh vật.

21.4.3 Không được có bồn rửa trong khu vực vô trùng. Bất cứ bồn rửa nào được lắp đặt trong khu vực sạch phải được làm bằng vật liệu thích hợp, như thép không gỉ, không chảy tràn, và phải được cung cấp nước có chất lượng nước uống được. Phải thận trọng để tránh cho hệ thống thoát nước khỏi bị ô nhiễm bởi các chất thải nguy hiểm. Trong quá trình chế biến, phải tránh sự phát tán trong không khí các vi sinh vật và virus gây bệnh được sử dụng trong sản xuất, và phải tránh khả năng bị nhiễm bởi các loại virus khác hoặc các chất khác, bao gồm cả các tác nhân gây nhiễm từ nhân viên.
21.4.4 Ánh sáng, nhiệt, quạt thông gió, và nếu cần thiết, các hệ thống điều hoà không khí phải được thiết kế để duy trì nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm và đảm bảo nhân viên được thoải mái khi làm việc với quần áo bảo hộ. 
Nhà xưởng phải ở tình trạng được bảo dưỡng tốt. Tình trạng nhà xưởng phải được xem xét thường xuyên, và việc sửa chữa phải được tiến hành ở vị trí, thời điểm cần thiết. Phải chú ý đặc biệt để đảm bảo các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng nhà xưởng không ảnh hưởng xấu tới sản phẩm. Phải có đủ không gian, phù hợp với các thao tác diễn ra, cho phép công việc được tiến hành thuận lợi, và thông tin và giám sát có hiệu quả. 
Tất cả nhà xưởng và các phòng phải sạch, và đảm bảo vệ sinh ở mọi thời điểm. Nếu các phòng dùng sản xuất các chất sinh học được sử dụng cho mục đích khác chúng phải được vệ sinh một cách kỹ lưỡng, và nếu cần thiết, phải được tẩy trùng trước khi lại bắt đầu sản xuất các sản phẩm sinh học. 
Khu vực được sử dụng để chế biến các nguyên liệu từ mô động vật, và vi sinh vật không cần thiết cho quá trình sản xuất hiện hành và cho việc tiến hành các thử nghiệm về súc vật và vi sinh vật, phải được tách riêng khỏi nhà xưởng được sử dụng cho sản xuất sản phẩm sinh học vô trùng và phải có hệ thống cung cấp khí hoàn toàn riêng biệt, với đội ngũ nhân viên riêng biệt.
21.4.5 Nếu sản phẩm được sản xuất theo chiến dịch, thì mặt bằng và thiết kế nhà xưởng, cũng như thiết bị phải cho phép tẩy trùng hữu hiệu bằng cách xông hơi, nếu cần thiết, cũng như cho phép làm vệ sinh và tẩy trùng sau mỗi đợt sản xuất.
21.4.6 Mẻ chủng và ngân hàng tế bào (Seed lot and cell bank) sử dụng để sản xuất các sản phẩm sinh học phải được bảo quản tách riêng khỏi các nguyên liệu khác. Chỉ những người có thẩm quyền mới được phép ra vào khu vực này.
21.4.7 Các sinh vật sống phải được xử lý trong các thiết bị đảm bảo sao cho việc nuôi cấy được duy trì ở trạng thái thuần khiết và không bị ô nhiễm trong quá trình chế biến.

21.4.8 Các sản phẩm như vacxin vi khuẩn chết, kể cả vắc xin sản xuất bằng kỹ thuật ADN tái tổ hợp (rADN), các độc tố và dịch chiết vi khuẩn, sau khi bất hoạt, có thể được đóng gói vào bao bì tại cùng nhà xưởng với các sản phẩm sinh học vô trùng khác, với điều kiện phải thực hiện các biện pháp khử tẩy trùng đầy đủ sau khi đóng gói, kể cả quá trình tiệt trùng và rửa, nếu thích hợp.
21.4.9 Các sinh vật tạo bào tử phải được xử lý trong các phương tiện được dành riêng cho nhóm chế phẩm này cho tới khi quá trình bất hoạt hoàn thành. Đối với Bacilus anthracis, Clostridium botulinum và Clostridium tetani, phải sử dụng nhà xưởng, thiết bị tuyệt đối dành riêng cho mỗi sản phẩm. Nếu việc sản xuất các sinh vật tạo bào tử được tiến hành theo chiến dịch ở một hay nhiều phương tiện thì chỉ được phép chế biến một sản phẩm tại một thời điểm.
21.4.10 Phải sử dụng các phương tiện và thiết bị dành riêng cho việc sản xuất các sinh phẩm dẫn xuất từ máu hoặc huyết tương của người.
21.4.11 Tất cả bao bì chứa các chất sinh học, bất kể ở giai đoạn sản xuất nào, phải có nhãn phân biệt được gắn một cách chắc chắn. Phải ngăn ngừa nhiễm chéo bằng cách thực hiện một số hoặc tất cả các biện pháp sau:
- Sản xuất và đóng lọ ở những khu vực riêng;
- Tránh việc sản xuất các sản phẩm khác nhau tại cùng một thời điểm, trừ khi chúng được tách biệt một cách hiệu quả;
- Kiềm chế sự phát tán của nguyên liệu bằng các phương tiện như chốt gió, lọc khí, thay đổi trang phục, rửa và khử nhiễm thiết bị một cách cẩn thận;
- Chống nguy cơ ô nhiễm do tái tuần hoàn không khí không được xử lý hoặc do sự tái xâm nhập ngẫu nhiên của khí thải;
- Sử dụng “hệ thống sản xuất khép kín”;
- Thực hiện các biện pháp chống sự tạo thành khí dung (đặc biệt là khi ly tâm và trộn);
- Loại bỏ các mẫu vi khuẩn gây bệnh ra khỏi những khu vực dùng để sản xuất các chất sinh học)
- Sử dụng các bao bì đã tiệt trùng hoặc đã được chứng minh có mức độ nhiễm vi sinh thật thấp.
21.4.12 Quá trình sản xuất sản phẩm vô trùng phải được thực hiện trong khu vưc có áp suất dương, nhưng có thể chấp nhận áp suất âm tại khu vực dành riêng để sản xuất các tác nhân gây bệnh. Nói chung, bất kỳ sinh vật nào được coi là gây bệnh phải được xử lý trong các khu vực được thiết kế đặc biệt, có áp suất âm, phù hợp với yêu cầu khu trú sản phẩm liên quan.

21.4.13 Phải có các  bộ xử lý không khí dành riêng cho khu vực chế biến. Không khí từ các hoạt động liên quan đến các tác nhân gây bệnh không được tái tuần hoàn, và trong trường hợp các sinh vật thuộc Nhóm nguy cơ số 2, không khí phải được thổi qua lọc tiệt trùng, lọc này phải được kiểm tra thường xuyên về hiệu năng lọc.

21.4.14 Phải trang bị các hệ thống khử nhiễm đặc hiệu đối với chất thải khi có sử dụng các nguyên liệu nhiễm khuẩn hoặc có khả năng nhiễm khuẩn để sản xuất.
21.4.15 Đường ống, van, và các lọc gió phải được thiết kế phù hợp tạo thuận lợi cho việc vệ sinh và tiệt trùng. Các van của bồn lên men phải tiệt trùng được hoàn toàn bằng hơi nước. Lọc khí phải là loại kỵ nước và phải được thẩm định đối với mục đích sử dụng.

21.4.16 Số lượng nhỏ các chất được đo lường hoặc cân trong quá trình sản xuất (vd: các chất đệm...) có thể được lưu giữ trong khu vực sản xuất, miễn là chúng không được nhập trở lại tồn kho. Mặt khác các nguyên liệu khô dùng để pha chế đệm, môi trường nuôi cấy, v.v. phải được cân và pha thành dung dịch trong các khu vực kín, bên ngoài các khu vực tinh chế và khu vực vô trùng nhằm giảm thiểu sự nhiễm tiểu phân vào sản phẩm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét