Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

19. Tá dược: Tự thanh tra và kiểm tra về chất lượng

19.3. Tự thanh tra và kiểm tra về chất lượng

Nhóm thanh tra bao gồm những nhân viên phù hợp (ví dụ như thanh tra viên, kỹ sư, chuyên viên phân tích, nhân viên mua hàng, chuyên gia máy tính, v.v.) thực hiện các đợt thanh tra. Cần đánh giá những hạn chế trong thao tác sản xuất và việc thẩm định các bước chế biến quan trọng trong cả quá trình sản xuất nhằm đảm bảo nhà sản xuất có những bước thích hợp để kiểm tra xem quy trình có hoạt động đồng nhất hay không.




Mục đích sử dụng cuối cùng của tá dược cần phải được xác định và cân nhắc trong khi thanh tra nhà sản xuất tá dược. Vấn đề đặc biệt quan trọng là phải xác định tá dược là thành phần trực tiếp hay gián tiếp trong thành phẩm; tá dược có được sử dụng trong chế biến một dạng bào chế vô trùng không; và tá dược có được đóng gói không chứa pyrogen/nội độc tố không. Nhà sản xuất tá dược phải có trách nhiệm đảm bảo là tá dược không chứa pyrogen nếu như đã tuyên bố như vậy trong tiêu chuẩn, trên nhãn hoặc trên hồ sơ gốc của thuốc. Một lần thanh tra nhà máy sản xuất tá dược nên bắt đầu với xuất phát điểm là việc xem xét những lĩnh vực sau:
  • Sản phẩm không đạt, ví dụ như một lô bị loại vì không đạt tiêu chuẩn, một sản phẩm bị khách hàng trả về, hay một sản phẩm bị thu hồi. Nhà sản xuất cần xác định lý do không đạt, chuẩn bị một báo cáo kết quả điều tra, nêu các biện pháp khắc phục đã triển khai sau đó và lưu hồ sơ. Hồ sơ và tài liệu cần được xem xét để đảm bảo rằng hiện tượng không đạt đó không phải là do quy trình không đồng nhất hoặc được xây dựng kém.
  • Hồ sơ về khiếu nại. Khách hàng có thể báo cáo là một số mặt trong thuộc tính sản phẩm không hoàn toàn phù hợp với mục đích sử dụng của chúng.
  • Những vấn đề này có thể là do tạp chất hoặc tính không đồng nhất trong quá trình sản xuất tá dược.
  • Hồ sơ tài liệu theo dõi về thay đổi.
  • Công thức gốc và hồ sơ sản xuất lô. Việc sửa đổi các tài liệu này thường xuyên có thể gợi ý rằng quá trình sản xuất có vấn đề.
  • Tiêu chuẩn về sự hiện diện của các sản phẩm trung gian không phản ứng và các dung môi còn dư trong tá dược thành phẩm.
  • Khu vực bảo quản đối với sản phẩm bị loại.
Khi đánh giá sự thích hợp của các biện pháp đề phòng tạp nhiễm đối với nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất, cần cân nhắc những yếu tố sau:

  • Loại hệ thống sản xuất (ví dụ kín hay hở). Những hệ thống “kín” trong các nhà máy hoá chất thường không đóng kín khi thêm các thành phần vào hoặc khi lấy thành phẩm ra. Cũng vậy, các bồn phản ứng đôi khi được sử dụng cho các loại phản ứng khác nhau.
  • Dạng nguyên liệu (ví dụ ướt hay khô)
  • Công đoạn chế biến và việc sử dụng máy móc thiết bị và/hoặc khu vực (ví dụ đa năng hay chuyên dụng)
Các yếu tố khác cũng cần được cân nhắc khi đánh giá một nhà máy sản xuất tá dược là:
  • Mức độ phơi nhiễm của nguyên liệu ở điều kiện môi trường không thuận lợi.
  • Mức độ dễ dàng tương đối và tính toàn diện trong làm vệ sinh
  • Các thao tác vô trùng và các thao tác không vô trùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét